Vì nếu Tần Liệt biến thành củ khoai tây, đã vậy lại còn mọc mầm, vào thời điểm Từ Đồ lần đầu đặt chân đến huyện Phàn Vũ, chắc sẽ bị cô quẳng luôn xuống vực.
Chi tiết này đã khắc hoạ rõ nét về chân dung của hai nhân vật chính, làm nổi bật sự khác biệt sâu sắc về hoàn cảnh và tính cách của Tần Liệt và Từ Đồ vào thời điểm hai người mới gặp nhau.
Từ Đồ là một cô bé nhà giàu, tối ngày lao vào những cuộc vui không hồi kết trong thành phố không bao giờ ngủ. Cô sống bốc đồng, không kiêng nể bất kỳ ai, tuy thông minh lanh lợi nhưng lại thiếu cảm thông, chưa thực sự trải đời. Tần Liệt là người đàn ông trách nhiệm, nguyên tắc và thực tế. Anh thường tỏ ra lãnh đạm, ít nói, nhưng thực chất là người sống tình nghĩa, luôn âm thầm quan tâm, chăm sóc những người xung quanh.
Trên con đường gồ ghề từ huyện về thôn, ngồi sau xe thùng chật kín những rau và khoai tây, Từ Đồ vì quá khó chịu và đau nhức nên đã ném đi vài củ khoai tây mọc mầm trong sọt, vừa là tiện tay, vừa là trút giận. Khi phát hiện ra, Tần Liệt phẫn nộ vô cùng và bắt cô xuống xe nhặt lại. Trong mắt anh lúc này, Từ Đồ là đứa trẻ ngỗ nghịch, đã quen sống trong nhung lụa nên không biết quý trọng lương thực. Không những vậy, cô còn là gánh nặng, là điều kiện trao đổi mà anh phải chấp nhận để vùng quê nghèo này được tài trợ tiền làm đường. Trong mắt Từ Đồ, anh là tên nhà quê lạnh lùng, thô kệch. Cô không biết mình đã sai ở đâu, chỉ thấy rằng mình đang bị đày đoạ khổ sở. Một đứa trẻ ngậm thìa vàng như cô sao có thể hiểu được giá trị của sức lao động, sao có thể biết trân quý những thứ trông chẳng khác nào đồ bỏ đi?
Trước uy lực của Tần Liệt, một người không sợ trời không sợ đất như Từ Đồ đã phải xuống nước mà nghe lời, dù ban đầu có phản kháng mạnh mẽ đến đâu. Củ khoai tây mọc mầm là một chi tiết nhỏ bé, có phần tầm thường, nhưng lại là điểm va chạm giữa hai thế giới, bước đầu mở ra hành trình trưởng thành của Từ Đồ.